Tầm quan trọng của siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung trong thai kì

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung là một phần của quá trình khám thai mà có lẽ hầu hết các mẹ bầu đều được thực hiện. Vậy siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung (cervical length – CL) là gì, được thực hiện như thế nào và có ý nghĩa quan trọng ra sao đối với phụ nữ mang thai?

SIÊU ÂM ĐO CHIỀU DÀI KÊNH CỔ TỬ CUNG LÀ GÌ?

Siêu âm đo CL là một xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn giúp cung cấp những hình ảnh về cổ tử cung (hình dạng, chiều dài) cho bác sĩ.  

SIÊU ÂM ĐO CHIỀU DÀI KÊNH CỔ TỬ CUNG CÓ Ý NGHĨA NHƯ THẾ NÀO?

Cổ tử cung là vị trí “cửa ngõ” của tử cung, nơi mà thai sẽ đi qua khi sanh. Dưới tác dụng của những cơn gò tử cung, sự ngắn dần và mở ra của cổ tử cung là những tiến trình sinh lí trong chuyển dạ. Tuy nhiên, nếu tiến trình này xảy ra trong giai đoạn sớm của thai kì (trước 37 tuần) thì khả năng cao thai phụ sẽ bị sinh non. Với CL càng ngắn thì nguy cơ sinh non càng cao. Do đó, siêu âm đo CL là một trong những xét nghiệm đầu tay trong tầm soát nguy cơ sinh non trong thai kì.

SIÊU ÂM ĐO CHIỀU DÀI KÊNH CỔ TỬ CUNG ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Về mặt kĩ thuật, siêu âm đo CL có thể được thực hiện qua đường bụng, đường âm đạo và tầng sinh môn. Trong đó, siêu âm qua đầu dò âm đạo là kĩ thuật được khuyến cáo sử dụng do nó cung cấp hình ảnh chính xác hơn, có thể được thực hiện lặp lại trong thai kì và ít gặp những vấn đề về kĩ thuật

Khi thực hiện siêu âm đo CL, sản phụ sẽ được yêu cầu đi tiểu để làm trống bàng quang. Sản phụ sẽ được nằm ngửa với hai chân dạng, đầu dò siêu âm sẽ được đưa vào âm đạo để thực hiện xét nghiệm. Bác sĩ cũng có thể ấn nhẹ đầu dò vào cổ tử cung để tạo hình ảnh tốt hơn. Kết quả đo CL sẽ được thực hiện 3 lần và lấy kết quả ngắn nhất của 3 lần đo

SIÊU ÂM ĐẦU DÒ ÂM ĐẠO CÓ GÂY SẨY THAI, SINH NON KHÔNG?

Nhiều lời đồn cho rằng việc đưa đầu dò siêu âm vào âm đạo sẽ gây ảnh hưởng đến thai và gây sẩy thai. Thực tế, đầu dò chỉ được đưa vào âm đạo và di chuyển xung quanh âm đạo phía bên ngoài cổ tử cung để quan sát hình dạng và đo CL, chứ không đưa vào bên trong của cổ tử cung hoặc tử cung nên sẽ không gây ảnh hưởng đến thai nhi và sản phụ.

KHI NÀO CẦN SIÊU ÂM ĐO CHIỀU DÀI KÊNH CỔ TỬ CUNG TRONG QUÁ TRÌNH MANG THAI?

Hầu hết những sản phụ đều được đo CL ít nhất 1 lần trong thai kì. Tuy nhiên, số lần đo sẽ khác nhau theo những trường hợp cụ thể như sau:

  • Thai kì không triệu chứng sinh non, không tiền căn sinh non (đơn thai và song thai): đo CL 1 lần trong khoảng 18 tuần – 22 tuần 6 ngày (thường được thực hiện vào lúc siêu âm hình thái tam cá nguyệt 2). Nếu CL ≤ 25 mm thì sản phụ sẽ được dùng progesterone đặt âm đạo và đo CL theo dõi mỗi 1 – 2 tuần cho đến khi hết 24 tuần
  • Đơn thai, không triệu chứng, có tiền căn sinh non: CL sẽ được đo bắt đầu từ 14 – 16 tuần:
    • Nếu CL ≥ 30 mm: đo CL mỗi 2 tuần cho đến hết 24 tuần
    • Nếu CL từ 26 – 29 mm: đo CL mỗi tuần cho đến hết 24 tuần
  • Thai phụ có triệu chứng của doạ sinh non (đau bụng, ra nước, ra huyết âm đạo):
    • Đơn thai: Đo CL trong khoảng 22 tuần – 33 tuần 6 ngày
    • Song thai: người ta chưa nhận thấy lợi ích của CL trong những trường hợp này. 

VỚI NHỮNG KẾT QUẢ SIÊU ÂM ĐO CHIỀU DÀI KÊNH CỔ TỬ CUNG KHÁC NHAU SẼ CÓ HƯỚNG XỬ TRÍ NHƯ THẾ NÀO?

Thông thường, CL sẽ ổn định vào khoảng 14 – 28 tuần và có xu hướng ngắn dần trong khoảng thời gian sau đó theo tuổi thai. Người ta nhận thấy rằng CL trung bình vào tuần 16 sẽ vào khoảng 43 mm nhưng khi đến tuần 36 thì chỉ còn 31 mm. Tuy nhiên, với người châu Á, hoặc người trẻ (dưới 20 tuổi) hoặc người có BMI thấp thì sẽ có CL ngắn hơn. Vậy CL ngắn bao nhiêu thì mẹ bầu sẽ có khả năng bị sinh non?

Ngưỡng cắt thông thường được sử dụng để dự đoán nguy cơ sinh non trong thai kì là 25 mm. Khi CL ≤ 25 mm có nghĩa là thai kì này của bạn sẽ có nguy cơ cao sinh non và đây cũng là lúc các bác sĩ sản khoa sẽ có những can thiệp nhất định trên thai kì. Những can thiệp này sẽ khác nhau trong từng trường hợp cụ thể:

  • Thai kì không triệu chứng, không tiền căn sinh non (đơn thai và song thai): CL ≤ 25 mm thì sản phụ sẽ được dùng progesterone đặt âm đạo và đo CL theo dõi mỗi 1 – 2 tuần cho đến khi hết 24 tuần. Nếu CL ≤ 10 mm, khâu vòng cổ tử cung sẽ được xem xét thực hiện (đơn thai).
  • Đơn thai, không triệu chứng, có tiền căn sinh non: nếu CL ≤ 25 mm sẽ được sử dụng progesterone và theo dõi HOẶC thực hiện ngay khâu vòng cổ tử cung.
  • Đơn thai, có triệu chứng:
    • CL < 15 hoặc 20 mm: sản phụ cần được nhập viện, sử dụng thuốc giảm gò và chích hỗ trợ phổi
    • CL dao động từ 15 hoặc 20 mm – 29 mm: cần thêm những xét nghiệm khác để quyết định
    • CL ≥ 30 mm: sản phụ có thể được cho về và theo dõi các triệu chứng của doạ sinh non tại nhà.
  • Đối với song thai, có triệu chứng: do đo CL chưa thấy được lợi ích cụ thể nên những can thiệp sẽ được dựa vào việc thăm khám trên lâm sàng.

TÓM LẠI

Siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung là một xét nghiệm quan trọng không thể thiếu trong quá trình khám thai. Đây là xét nghiệm giúp các bác sĩ đánh giá về nguy cơ sinh non trong những trường hợp cụ thể, từ đó có những can thiệp phù hợp. Vì vậy, các bà bầu nên tuân thủ theo lịch khám thai để có thể được thăm khám và đánh giá thai kì đầy đủ nhé!   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ