Tầm soát và dự phòng tiền sản giật trong thai kì

tầm soát và dự phòng tiền sản giật

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Tiền sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm trong thai kì, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé. Do đó, vấn đề tầm soát và dự phòng bệnh lí này luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của thai phụ cũng như bác sĩ sản khoa. Vậy những thai phụ nào cần được tầm soát và dự phòng tiền sản giật như thế nào?

TIỀN SẢN GIẬT LÀ GÌ?

Tiền sản giật là một rối loạn đa cơ quan trong thai kì liên quan đến tình trạng tăng huyết áp mới khởi phát sau tuần 20. Mặc dù tiền sản giật thường đi kèm với tiểu đạm, tuy nhiên tiền sản giật và những triệu chứng nặng khác (giảm tiểu cầu, giảm chức năng thận, tăng men gan, phù phổi, nhìn mờ) vẫn có thể xuất hiện mà không có tiểu đạm.

Tuỳ theo thời gian xuất hiện, tiền sản giật có thể được chia thành:

  • Tiền sản giật khởi phát sớm: trước 34 tuần
  • Tiền sản giật khởi phát muộn: ≥ 34 tuần

Tầm soát và dự phòng tiền sản giật

ẢNH HƯỞNG CỦA TIỀN SẢN GIẬT LÊN MẸ VÀ BÉ

Tiền sản giật chiếm khoảng 2 – 8% trong thai kì và có những ảnh hưởng đáng kể lên mẹ và bé:

  1. Ảnh hưởng lên mẹ

Tiền sản giật có thể gây những ảnh hưởng đa cơ quan lên cơ thể người mẹ, bao gồm:

– Hệ thần kinh trung ương: sản giật gây phù não, xuất huyết não – màng não gây ảnh hưởng tâm thần – vận động

– Mắt: phù võng mạc, mù mắt

– Gan: suy gan cấp, chảy máu dưới bao gan, vỡ gan

– Thận: suy thận cấp

– Tim, phổi: phù phổi cấp, suy tim cấp có thể thành suy tim mạn, tăng huyết áp mạn

– Huyết học: Rối loạn đông – chảy máu, giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch, băng huyết sau sinh

– Hội chứng HELLP: tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu

– Tử vong mẹ: chiếm 9% những nguyên nhân tử vong mẹ

  1. Ảnh hưởng lên thai

– Thai chậm tăng trưởng: tiền sản giật ảnh hưởng đến những mạch máu cung cấp cho bánh nhau và thai, từ đó làm giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng đến thai

– Sinh non: có thể do nguyên nhân tự phát hoặc do có chỉ định chấm dứt thai kì vì những lí do đe doạ tính mạng mẹ hoặc thai

– Nhau bong non

– Thai lưu, tử vong chu sinh

CÓ NHỮNG CÁCH NÀO ĐỂ TẦM SOÁT NGUY CƠ TIỀN SẢN GIẬT?

Nhận thấy được những ảnh hưởng đáng kể của tiền sản giật lên mẹ và thai cùng với tầm quan trọng trong dự phòng bệnh lí tiền sản giật trong thai kì, nhiều mô hình tầm soát đã được áp dụng và thực hiện trên lâm sàng. Phổ biến hơn hết là 2 mô hình tầm soát của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kì (American College of Obstetrics and Gynecology – ACOG) năm 2020 và Hiệp hội Y học Thai nhi (Fetal Medicine Foundation – FMF).

  1. Mô hình tầm soát của ACOG

Đây là mô hình tầm soát dựa trên những yếu tố nguy cơ của người mẹ, được chia thành nguy cơ cao, trung bình và thấp. Các thai phụ sẽ được thực hiện mô hình tầm soát này trong lần đầu khám thai hoặc trong vòng 3 tháng đầu thai kì. Với những tiêu chuẩn tương ứng theo từng mức nguy cơ, thai phụ sẽ được thực hiện dự phòng tiền sản giật bằng aspirin (Hình 1). Với mô hình này, thai phụ có thể được nhận diện nguy cơ ngay lập tức thông qua quá trình hỏi bệnh và thăm khám mà không cần quá nhiều hoặc thậm chí không cần làm các xét nghiệm liên quan.

Tầm soát và dự phòng TSG theo ACOG
Hình 1. Mô hình tầm soát tiền sản giật theo ACOG
  1. Mô hình tầm soát tiền sản giật theo FMF

Mô hình tầm soát theo FMF dựa vào những yếu tố về tiền sử của mẹ kết hợp với một số xét nghiệm trong giai đoạn từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Các yếu tố trong mô hình bao gồm:

  • Loại thai: song thai hoặc đơn thai
  • Tuổi thai tính theo CRL (CRL trong giới hạn 45 – 84 mm) và ngày thăm khám
  • Yếu tố của mẹ: ngày sinh, chiều cao, cân nặng, chủng tộc, tình trạng hút thuốc, tiền căn tiền sản giật, phương pháp thụ thai, những bệnh lí nội khoa (tăng huyết áp mạn, đái tháo đường type I hoặc II, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid), con so/con rạ
  • Huyết áp động mạch trung bình: đo ở cả 2 tay, mỗi tay 2 lần. Cách đo huyết áp đúng như Hình 2.
Hình 2. Cách đo huyết áp đúng ở thai phụ
  • Chỉ số xung động mạch tử cung: thực hiện bằng siêu âm doppler, đo ở cả động mạch tử cung trái và phải, giá trị nhập vào mô hình là trung bình cộng của 2 bên (Hình 3)
Hình 3. Hình ảnh siêu âm doppler đo chỉ số xung động mạch tử cung
  • Chỉ số PAPP-A hoặc PlGF

Tất cả những yếu tố này sẽ được tính toán thành nguy cơ xuất hiện tiền sản giật trước 37 tuần tại https://fetalmedicine.org/research/assess/preeclampsia/first-trimester. Nếu nguy cơ tính toán được ≥ 1:100, tức là thai phụ có nguy cơ cao và sẽ được dự phòng bằng aspirin liều thấp. Nếu nguy cơ này < 1:100, thì thai phụ có nguy cơ thấp và theo dõi thai kì bình thường.

DỰ PHÒNG TIỀN SẢN GIẬT NHƯ THẾ NÀO?

Khi thai phụ có kết quả tầm soát tiền sản giật dương tính (1 yếu tố nguy cơ cao hoặc > 1 yếu tố nguy cơ trung bình theo ACOG năm 2020 HOẶC ≥ 1:100 theo FMF), thai phụ sẽ được dự phòng aspirin liều thấp 75 – 150 mg, tức 1 viên hoặc 2 viên aspirin hàm lượng 81 mg, uống mỗi buổi tối, bắt đầu từ khoảng 12 – 28 tuần (tốt nhất là trước 16 tuần thai kì) cho đến lúc sinh (ACOG 2020) hoặc đến 36 tuần thai kì (Bộ Y tế Việt Nam).

Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) năm 2016 cũng khuyến cáo những thai phụ ở những vùng có lượng canxi trong khẩu phần ăn thấp (< 600g/ngày) nên bổ sung canxi đường uống từ 1,5 – 2g để làm giảm nguy cơ mắc tiền sản giật khi mang thai. Hoặc theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam năm 2021, ở những trường hợp thai phụ không thể dự phòng bằng aspirin có thể bổ sung lượng canxi như khuyến cáo của WHO.

MỘT SỐ CHỐNG CHỈ ĐỊNH SỬ DỤNG ASPIRIN

Một số chống chỉ định khi sử dụng aspirin bao gồm:

  • Dị ứng với acetylsalicylate hoặc các thuốc kháng viêm non steroid
  • Hen phế quản, viêm mũi, polype mũi
  • Tiền sử loét dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hoá
  • Suy thận, suy gan, suy tim
  • Rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu
  • Thiếu men G6PD
  • Thai phụ đang nhiễm virus (sốt xuất huyết)

THAI PHỤ CẦN LƯU Ý GÌ KHI SỬ DỤNG ASPIRIN ĐỂ DỰ PHÒNG TIỀN SẢN GIẬT?

Khi sử dụng aspirin nhằm dự phòng tiền sản giật, thai phụ cần lưu ý một số điều sau:

  • Tuân thủ việc dùng thuốc để đảm bảo hiệu quả của việc dự phòng tiền sản giật
  • Ngưng thuốc khi đến 36 tuần hoặc khi vào chuyển dạ: aspirin cần được ngưng trước khi sanh 1 tuần để làm giảm tối thiểu nguy cơ băng huyết sau sinh
  • Khi nhập viện, cần thông báo việc dùng thuốc và thời gian ngưng thuốc cho các bác sĩ để đánh giá kịp thời các nguy cơ về chảy máu, rối loạn đông máu.
  • Khi có những dấu hiệu của tác dụng phụ của thuốc: chảy máu, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hoá hoặc các phản ứng dị ứng; các thai phụ cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn sớm nhất nhé!
Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về tầm soát và dự phòng tiền sản giật khi mang thai tại Phòng khám Mẹ và Bé

TÓM LẠI

Tiền sản giật là một bệnh lí thường gặp trong thai kì, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho mẹ và bé. Hiện nay, các mô hình tầm soát tiền sản giật ngày càng được sử dụng phổ biến và ngày càng có nhiều thai phụ được thực hiện các mô hình này. Từ đó, nhiều thai phụ cũng ngăn ngừa được bệnh lí tiền sản giật nhờ vào dự phòng bằng aspirin. Vì vậy, các thai phụ cần khám thai đúng hẹn để có thể được tầm soát và dự phòng tiền sản giật nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ