Thai phụ có thể tiếp xúc với tia X được không?

Thai phụ và tia X

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Xquang và CT-Scan là những xét nghiệm hình ảnh học sử dụng tia X thường được sử dụng phổ biến để chẩn đoán nhiều bệnh lí khác nhau. Tuy nhiên, loại xét nghiệm này luôn được cho rằng bị “cấm” thực hiện trên thai phụ bởi những lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của tia X lên thai nhi. Vậy có phải thực sự tia X bị cấm tiếp xúc hoàn toàn trên thai phụ hay không?

TIA X VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG LÊN THAI NHI

Nhìn chung, tia X đều có những ảnh hưởng nhất định lên con người và cả thai nhi. Những ảnh hưởng này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tuổi thai và liều bức xạ mà thai tiếp xúc. Nếu tiếp xúc với liều cực cao (vượt quá 1 Gy) xảy ra trong quá trình tạo phôi sớm, rất có thể sẽ gây chết phôi. Tuy nhiên, những mức liều này không được sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh.

Một số mối liên hệ giữa tuổi thai, liều bức xạ và những ảnh hưởng trên thai kì được ghi nhận như:

  • Trước khi thai làm tổ (0 – 2 tuần sau thụ tinh): nếu tiếp xúc trong khoảng 50 – 100 mGy, phôi sẽ chết hoặc không có hậu quả gì (đáp ứng tất cả hoặc không)
  • Giai đoạn tạo cơ quan (2 – 8 tuần sau thụ tinh): nếu tiếp xúc quá 200 mGy có thể bị dị tật bẩm sinh(xương, mắt, cơ quan sinh dục); với ngưỡng 200 – 250 mGy có thể gây chậm tăng trưởng
  • Thai 8 – 15 tuần: nếu tiếp xúc với ngưỡng 60 – 310 mGy thì nguy cơ cao có thể gây thiểu năng trí tuệ nặng; khoảng 200 mGy có thể gây tật đầu nhỏ và người ta nhận thấy có sự suy giảm trí tuệ nếu tiếp xúc với liều cực cao (giảm 25 điểm IQ trên mỗi 1000 mGy)
  • Thai 16 – 25 tuần: có thể mắc thiểu năng trí tuệ nếu tiếp xúc với ngưỡng 250 – 280 mGy.
  • Thai > 25 tuần: lúc này các cơ quan của thai nhi đã phát triển hoàn toàn, vì vậy sức chịu đựng của thai nhi với tia X lúc này cũng sẽ tốt hơn trước. Do đó, hầu như không thấy ảnh hưởng với liều bức xạ lên đến 100 mGy

Ngoài ra, nguy cơ gây ung thư khi thai tiếp xúc với tia xạ cũng còn chưa rõ, nhưng khả năng này cũng khá thấp. Người ta nhận thấy việc thai nhi tiếp xúc với liều 10 – 20 mGy có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu (leukemia) lên gấp 1,5 – 2,0, nhưng bệnh lí này tỷ lệ mắc chỉ vào khoảng 1:3000 trong dân số chung. Vì vậy, việc chấm dứt thai kỳ không nên được khuyến cáo chỉ dựa trên việc đã tiếp xúc với tia X qua những xét nghiệm hình ảnh học.

LIỀU BỨC XẠ TRÊN THAI NHI TRONG NHỮNG XÉT NGHIỆM HÌNH ẢNH HỌC THƯỜNG DÙNG

Không phải tất cả những xét nghiệm đều gây tích tụ liều bức xạ trên thai nhi tương tự nhau. Tuỳ thuộc theo từng vị trí khác nhau và loại xét nghiệm được thực hiện mà cũng có liều bức xạ khác nhau. Một số liều bức xạ được ghi nhận như trong Hình 1.

Hình 1. Liều bức xạ lên thai nhi của một số xét nghiệm hình ảnh học chứa tia X
Hình 1. Liều bức xạ lên thai nhi của một số xét nghiệm hình ảnh học chứa tia X

Như vậy, đa số các xét nghiệm chứa tia X đều có liều bức xạ trên thai nhi dưới 50 mGy. Đây là liều bức xạ thấp hơn nhiều so với ngưỡng có thể gây những ảnh hưởng nhất định lên thai. Ngoài ra, khi thực hiện kỹ thuật chụp Xquang/CT-Scan vào các cơ quan như tim, phổi thì tia X không chiếu vào vùng chứa thai.

CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIẢM THIỂU NHỮNG RỦI RO LÊN THAI KHI CHỤP XQUANG/CT-SCAN?

Xquang hoặc CT-Scan thường được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán một số tình trạng bệnh lí cấp tính như viêm ruột thừa hay tắc ruột hoặc trong những chấn thương. Ở thai phụ, trong phần lớn trường hợp, MRI là một phương pháp thay thế. Tuy nhiên, nếu MRI không có sẵn, CT-Scan vẫn là một lựa chọn đáng tin cậy.

Điều đầu tiên cũng là quan trọng nhất chính là thông báo ngay với các bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghĩ rằng mình có khả năng mang thai để bác sĩ có kế hoạch chẩn đoán và theo dõi phù hợp. Trong trường hợp nếu phải chụp X quang/CT-Scan tại các vùng cơ quan khác, thai phụ sẽ được che chắn vùng chứa thai bằng một áo chì để hạn chế sự phơi nhiễm tia X lên thai nhi.

Hơn nữa, việc điều chỉnh lượng bức xạ lên thai nhi có thể được thực hiện bằng cách điều chỉnh số lượng ảnh và khoảng cách của các lát cắt. Chẳng hạn, CT vùng chậu có thể có mức độ phơi nhiễm với tia X cao lên đến 50 mGy, nhưng vẫn có thể giảm xuống chỉ còn 2.5 mGy – mức độ tia X thấp hơn rất nhiều so với liều có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực lên thai.

Những trường hợp đặc biệt khi cần đến Xquang/CT-Scan lặp lại như trong điều trị viêm phổi, việc tính đến tổng liều phơi nhiễm với bức xạ tia X cần được thảo luận kĩ lưỡng và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

CẦN LÀM GÌ KHI ĐÃ VÔ TÌNH TIẾP XÚC VỚI TIA X KHI MANG THAI?

Thực tế, người ta ước tính rằng thai nhi sẽ tiếp xúc với 1 mGy bức xạ nền trong thai kì. Ngoài ra, những loại hình ảnh học sử dụng tia X có thể được thực hiện có chủ đích trong quá trình mang thai, nhưng đôi khi lại có thể thực hiện ngay cả trước khi chẩn đoán có thai. Điều này cũng gây nên những lo ngại nhất định cho thai phụ.

Như đã đề cập ở trên, sự ảnh hưởng của tia X lên thai kì phụ thuộc vào liều và tuổi thai lúc thai phụ tiếp xúc và một số xét nghiệm hình ảnh học lại có liều bức xạ khá thấp so với ngưỡng có thể ảnh hưởng đến thai nhi (Hình 1). Vì vậy, thai phụ không nên đặt vấn đề về việc bỏ thai do lo ngại ảnh hưởng đến thai, mà nên đến gặp bác sĩ sản khoa của mình để được tư vấn cụ thể về những ảnh hưởng trên thai kì và có hướng theo dõi phù hợp nhé!

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn cho thai phụ về vấn đề thai phụ tiếp xúc với tia X
Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn cho thai phụ về vấn đề thai phụ tiếp xúc với tia X

TÓM LẠI

Tia X không thực sự là một tác nhân bị cấm hoàn toàn đối với thai phụ. Trong một số trường hợp cần thiết, thai phụ vẫn có thể tiếp cận với những xét nghiệm hình ảnh học chứa tia X như Xquang hay CT-Scan để có hướng điều trị và chăm sóc phù hợp trong thai kì. Ngoài ra, việc vô tình phơi nhiễm với những xét nghiệm chứa tia X cũng không phải là chỉ định để chấm dứt thai kì. Thay vào đó, thai phụ nên khám thai đúng hẹn để được tư vấn và theo dõi toàn diện để có một thai kì khoẻ mạnh nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ