Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu
Thiếu máu thiếu sắt trong thai kì là một hiện tượng thường gặp vì những thay đổi của cơ thể người mẹ để có thể thích ứng với việc mang thai. Tuy nhiên, thiếu máu thiếu sắt trong quá trình mang thai lại gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Vậy, việc tầm soát và dự phòng thiếu máu thiếu sắt như thế nào?
VÌ SAO XUẤT HIỆN THIẾU MÁU THIẾU SẮT TRONG THAI KÌ?
Đáp ứng sinh lý của người mẹ với thai kì: Sắt là một nguyên tố quan trọng để hình thành hemoglobin, một protein trong tế bào hồng cầu giữ chức năng vận chuyển oxy đến mô. Trong thai kì, người phụ nữ sẽ cần gấp đôi lượng sắt so với bình thường (khoảng 1000mg) để tạo nhiều máu đến cung cấp oxy cho thai, đồng thời cũng chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.
Ngoài ra, một số lí do khác có thể do thai phụ ăn uống kém trong thai kì do nghén hoặc do các bệnh lí về dạ dày – ruột. Nếu không được cung cấp đủ sắt khi mang thai, người mẹ sẽ bị thiếu máu thiếu sắt.
TRIỆU CHỨNG CỦA THIẾU MÁU
Những triệu chứng của thiếu máu trong thai kì gần giống với những triệu chứng của thai nghén. Chính vì vậy, các bà bầu nên được tầm soát thiếu máu càng sớm càng tốt. Những triệu chứng thiếu máu bao gồm:
- Chán ăn, mệt mỏi
- Xanh xao
- Nhịp tim bất thường
- Chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, đau ngực, tay chân lạnh.
ẢNH HƯỞNG CỦA THIẾU MÁU ĐỐI VỚI THAI
Thiếu máu gây những ảnh hưởng đáng kể lên cả mẹ và thai. Với thiếu máu mức độ nhẹ, hầu như sẽ chỉ hơi khó chịu vì chóng mặt, nhưng đối với những phụ nữ bị thiếu máu nặng sẽ ảnh hưởng:
- Sẩy thai
- Nhau tiền đạo
- Nhau bong non
- Tiền sản giật
- Vỡ ối sớm
- Sinh non
- Nguy cơ băng huyết sau sinh
- Nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm trùng huyết
- Trẻ nhẹ cân, chậm phát triển tâm thần
TẦM SOÁT THIẾU MÁU THIẾU SẮT TRONG THAI KÌ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu máu ảnh hưởng đến gần 40% phụ nữ mang thai. Chính vì vậy, việc tầm soát sớm trong thai kì đóng vai trò quan trọng. Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (American College of Obstetricians and Gynecologists) khuyến cáo nên tầm soát thiếu máu cho tất cả sản phụ trong tam cá nguyệt 1 bằng công thức máu và lặp lại lúc 24 tuần – 28 tuần 6 ngày.
Về ngưỡng chẩn đoán thiếu máu, theo WHO năm 2016, ngưỡng chẩn đoán thiếu máu chung trong suốt thai kì là khi Hb < 11 g/dL. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) đã đưa ra ngưỡng chẩn đoán khác nhau giữa 3 tam cá nguyệt: ở tam cá nguyệt 1 và 3, thiếu máu khi Hb < 11 g/dL còn ở tam cá nguyệt 2, thiếu máu khi Hb < 10,5 g/dL.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu máu cũng tiềm ẩn những nguy cơ về những bệnh lí di truyền, đặc biệt là Thalassemia với những đặc trưng là thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc (MCH < 80 pg, MCV < 28 fL). Vì vậy, trước khi đi đến kết luận thiếu máu do thiếu sắt, cần loại trừ những bệnh lí di truyền này bằng nồng độ ferritin, điện di máu vợ và chồng hoặc xét nghiệm gen vợ chồng (nếu cần thiết). Sau khi đã loại trừ những bệnh lí trên, mức độ ferritin cho phép chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt là nhỏ hơn 30 ng/mL.
QUẢN LÝ VÀ DỰ PHÒNG THIẾU MÁU THIẾU SẮT TRONG THAI KÌ
Hiện tại, chính vì những thay đổi của cơ thể mẹ khi mang thai và những ảnh hưởng không nhỏ của thiếu máu do thiếu sắt trong thai kì lên cả mẹ và bé mà khi ăn uống thông thường không thể bù đủ nên việc bổ sung sắt để dự phòng thiếu sắt là việc làm không thể thiếu trong mỗi thai kì.
Theo WHO, trong thai kì, tất cả người phụ nữ nên được bổ sung 30 – 60 mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic đều đặn mỗi ngày cho đến sau khi sinh 1 tháng. Đối với những thai phụ vẫn bị thiếu máu trong thai kì, mức sắt bổ sung mỗi ngày có thể nâng lên 120 mg cho đến hemoglobin về mức bình thường ứng theo từng tam cá nguyệt, sau đó có thể tiếp tục uống sắt dự phòng như những thai kì bình thường khác. Để hấp thụ sắt tốt nhất bà bầu nên uống khi đói. Lưu ý trước và sau khi uống viên sắt thì không nên uống trà, cà phê hoặc sữa bởi nó sẽ cản trở sự hấp thụ sắt. Để hỗ trợ cho quá trình hấp thụ sắt được diễn ra một cách tốt nhất, bà bầu nên bổ sung vitamin C có trong các loại trái cây, rau xanh.
Ngoài ra, chế độ ăn uống giàu chất sắt và acid folic cũng có ích trong thai kì. Các loại thực phẩm hằng ngày giàu sắt như thịt có màu đỏ như thịt bò, cá, lòng đỏ trứng, rau xanh, các loại đậu,… Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng như protein, canxi, photpho, sắt, chất khoáng và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của thai phụ. Đặc biệt hầu như các chất dinh dưỡng trong quả trứng gà đều tập trung ở lòng đỏ. Mỗi tuần bà bầu có thể ăn từ 3 đến 4 quả trứng gà.
Nếu như trong quá trình điều trị, tình trạng thiếu máu không khá hơn hoặc xuất hiện những triệu chứng bất thường khác, mẹ bầu cần đến bệnh viện để xét nghiệm tầm soát những nguyên nhân thiếu máu khác để có biện pháp chữa trị kịp thời.
TÓM LẠI
Thiếu máu thiếu sắt trong thai kì là một tình trạng phổ biến của các thai phụ. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ trở nặng và gây nên những ảnh hưởng xấu lên cả bản thân người mẹ và thai nhi nếu không được tầm soát, dự phòng và quản lí đúng mực. Vì vậy, các mẹ bầu nên tuân thủ chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung sắt và một số chất khác đầy đủ khi mang thai và đặc biệt khám thai định kì đúng hẹn để có thể được thăm khám, tư vấn, phát hiện và can thiệp kịp thời những bệnh lí này nhé!