Tiền mãn kinh: con đường gập ghềnh đến mãn kinh

BS. Thân Trọng Thạch – Trần Thị Thuỳ Trinh

         Tiền mãn kinh (Perimenopause) hay còn gọi giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh, là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh, được xác định từ khi bắt đầu có rối loạn trong chu kỳ kinh và kết thúc sau một năm vô kinh xảy ra. Đây là giai đoạn mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải trải qua và có tới 85% phụ nữ gặp các triệu chứng về thể chất và/hoặc tâm lý trong thời kỳ này. Mặc dù thời kỳ này đem đến nhiều thay đổi cho phụ nữ, nhưng nếu hiểu rõ, trang bị sẵn sàng kiến thức cùng với những phương pháp điều tiết phù hợp sẽ giúp bạn vượt qua khoảng thời gian này và dần thích ứng, làm quen với những thay đổi của cơ thể. 

Vì sao xuất hiện giai đoạn tiền mãn kinh?

       Đây là tiến trình tự nhiên và bình thường trong chu kỳ sinh sản của phụ nữ, được ví như sự “lão hóa” của buồng trứng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hoạt động của buồng trứng bắt đầu suy giảm, dẫn tới sự mất cân bằng hoặc rối loạn nồng độ các nội tiết tố nữ (estrogen và progesterone). Những thay đổi về thể chất của thời kỳ tiền mãn kinh bắt nguồn từ sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là sự thay đổi về nồng độ estrogen lưu hành trong máu. 

Các dấu hiệu nhận biết tiền mãn kinh 

       Hội chứng tiền mãn kinh có nhiều triệu chứng đa dạng, nhưng không phải tất cả phụ nữ đều trải qua các triệu chứng tiền mãn kinh. Và mức độ của các triệu chứng cũng khác nhau tùy từng người. Hầu hết phụ nữ đều gặp các vấn đề ở mức độ nhẹ hoặc trung bình; những yếu tố như béo phì và căng thẳng làm tăng khả năng mắc các triệu chứng nghiêm trọng. Dưới đây là các triệu chứng bạn có thể gặp phải trong thời kỳ tiền mãn kinh: 

a/ Rối loạn kinh nguyệt

Những thay đổi ở độ dài chu kỳ và lượng kinh nguyệt 

  • Chu kỳ kinh ngắn lại hay thưa ra 
  • Rong kinh, rong huyết, cường kinh hoặc thiểu kinh  

b/ Bốc hỏa hay nóng bừng và đổ mồ hôi đêm 

  • Là một triệu chứng chính của thời kỳ tiền mãn kinh mà hầu như phụ nữ nào cũng gặp phải
  • Cơ thể lúc nào cũng cảm thấy nóng, tăng nhiệt độ đột ngột ở phần trên hoặc toàn bộ cơ thể; Những cơn bốc hỏa có xu hướng xảy ra nhanh chóng và có thể kéo dài từ một đến năm phút. Chúng có mức độ thay đổi từ cảm giác ấm áp thoáng qua đến cảm giác bị lửa thiêu rụi “từ trong ra ngoài”.

Hình 1: Bốc hoả là triệu chứng thường gặp của giai đoạn tiền mãn kinh

c/ Rối loạn khí sắc, cảm xúc

  • Khoảng 10 – 20 % phụ nữ trải qua thời kỳ tiền mãn kinh với các triệu chứng trầm cảm, lo âu, mất ngủ, và tính khí thay đổi thất thường (dễ xúc động, cáu gắt…)
  • Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa estrogen với trầm cảm trong thời kỳ tiền mãn kinh. Việc nhận diện các triệu chứng của trầm cảm là vô cùng quan trọng để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp. 

d/ Khô âm đạo

  • Nồng độ estrogen giảm khiến âm đạo trở nên mỏng hơn và khô hơn, có thể gây ngứa và kích ứng, giảm tiết nhờn khiến việc quan hệ khó khăn, gây đau khi giao hợp, góp phần làm giảm ham muốn tình dục ở tuổi trung niên.

e/ Rối loạn giấc ngủ

  • Khó ngủ xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể là do những thay đổi nội tiết tố cơ bản và/hoặc các cơn bốc hỏa
  • Khoảng 40% phụ nữ tiền mãn kinh gặp vấn đề về giấc ngủ trong thời kỳ này. 

f/ Tăng cân

  • Nồng độ estrogen giảm có thể dẫn đến những thay đổi bất lợi về mức cholesterol trong máu, gia tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, không kiểm soát được cân nặng, lượng mỡ bụng gia tăng đáng kể

g/ Các triệu chứng khác

  • Đau nhức xương khớp do nồng độ estrogen giảm xuống, quá trình hủy xương tăng lên và tái tạo xương giảm xuống, bạn rất dễ gặp các vấn đề về xương như loãng xương
  • Đi tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu gắt buốt
  • Giảm khả năng sinh sản, chức năng buồng trứng suy giảm, cơ hội thụ thai thấp
  • Những thay đổi khác như hay quên, da khô, tóc mỏng, dễ rụng hơn… 

Hình 2 Tóm tắt những triệu chứng của Hội chứng tiền mãn kinh

Nguồn

Quản lý tiền mãn kinh 

       Tiền mãn kinh là một phần tự nhiên của cuộc sống, tuy nhiên không phải ai cũng có thể tự vượt qua giai đoạn này. Một số phụ nữ cần sự chăm sóc y tế. Nếu các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, khiến bạn lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ. Không có phương pháp chữa trị tối ưu nào cho thời kỳ tiền mãn kinh, nhưng bác sĩ có thể giúp kiểm soát nhiều triệu chứng của bạn thông qua các phương pháp điều trị được kê đơn cũng như các biện pháp tự khắc phục tại nhà. Một số phương pháp điều trị phổ biến nhất bao gồm: 

a/ Chế độ ăn uống và sinh hoạt

  • Duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế sự căng thẳng
  • Tập thể dục điều độ giúp tăng cường sức khỏe của tim mạch và cơ xương, duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Chế độ ăn phù hợp: đầy đủ trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh
  • Hạn chế rượu bia và cafein, thuốc lá 

b/ Thuốc điều trị triệu chứng

  • Bốc hỏa hay nóng bừng và đổ mồ hôi đêm
    • Đối với hầu hết phụ nữ, liệu pháp hormone thay thế (hormone replacement therapy – HRT) là cách hiệu quả nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp cải thiện hầu hết các triệu chứng của thời kỳ này. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm nghiêm trọng là estrogen.
    • Những phụ nữ bị bốc hỏa nghiêm trọng không muốn hoặc không thể dùng liệu pháp nội tiết tố có thể được điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm thế hệ mới như Venlafaxine hoặc một số chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), ví dụ như Fluoxetine và Paroxetine; thuốc điều trị động kinh Neurontin như Gabapentin; hoặc Clonidine, một loại thuốc huyết áp.
  • Rối loạn khí sắc và cảm xúc: Phụ nữ bị bốc hỏa và trầm cảm có thể được điều trị bằng liệu pháp hormone nếu trầm cảm ở mức độ nhẹ đến trung bình, nhưng thuốc SSRI/SNRI có thể là một lựa chọn thay thế tốt.
  • Khô âm đạo: 
    • Thuốc estrogen liều thấp hoặc Estrogen âm đạo (dạng kem, dạng vòng, dạng viên hoặc gel) giúp giảm khô âm đạo, giảm khó chịu khi quan hệ tình dục và một số triệu chứng tiết niệu
    • Chất bôi trơn âm đạo: cũng giúp giúp tăng độ ẩm, độ đàn hồi và độ axit của âm đạo, tăng sự thoải mái khi quan hệ
  • Bổ sung canxi và vitamin D giúp tăng cường sức khỏe cơ xương

Tóm lại,

       Tiền mãn kinh là một giai đoạn đầy thử thách trong cuộc đời đối với nhiều phụ nữ, báo hiệu sắp bước sang giai đoạn kết thúc vòng đời sinh sản. Trong thời kỳ tiền mãn kinh, nồng độ estrogen – một nội tiết tố nữ quan trọng do buồng trứng sản xuất – bắt đầu giảm dần. Thời kỳ này thường bắt đầu ở độ tuổi 40 đến 55. Tiền mãn kinh có thể kéo dài trong nhiều năm với các triệu chứng thay đổi. Việc trang bị các kiến thức, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh cùng với sự hỗ trợ y tế khi cần sẽ giúp bạn dễ dàng hơn để vượt qua thời kỳ này! 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ