Tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Làm thế nào để có đo lường tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản?

Khi nói đến hỗ trợ sinh sản, không có tiêu chuẩn nào là thống nhất để báo cáo “tỷ lệ thành công”. Tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản được tính trên 1 lần chuyển phôi hay tỷ lệ thành công cộng dồn cho nhiều lần chuyển phôi. Tuy nhiên, không phải mọi chu kỳ điều trị sẽ dẫn đến việc chuyển phôi, đối với một số phụ nữ, vẫn có tỷ lệ không có trứng sau khi chọc hút, và đôi khi là không có trứng trưởng thành hay bình thường sau khi chọc hút trứng, dẫn đến không nuôi cấy được phôi. Đối với các cặp đôi, thành công của điều trị IVF là “có em bé mang về nhà”. Do đó để đánh giá hiệu quả của một trung tâm điều trị IVF thì thông thường có 4 chỉ số sau: tỷ lệ có thai sau chuyển phôi, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ thai diến tiến và tỷ lệ trẻ sinh sống. Hiện tại, tỷ lệ trẻ sinh sống được xem là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá sự thành công của điều trị hỗ trợ sinh sản.

Hình 1 Các chỉ số được sử dụng để đo lường tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản (Nguồn)

Các yếu tố ảnh hướng đến sự thành công trong hỗ trợ sinh sản

  • Yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất lến tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn là tuổi của người phụ nữ.
  • Chất lượng noãn: tuổi của người phụ nữ ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng và chất lượng noãn.
  • Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được sử dụng.
  • Chất lượng tinh trùng.
  • Trứng trữ đông và phôi trữ đông
  • Lựa chọn phôi: việc lựa chọn phôi có chất lượng tốt và có khả năng làm tổ cao để chuyển phôi là một việc rất quan trọng. Một số kỹ thuật được áp dụng như xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (preimplantation genetic testing – PGT)  và hệ thống theo dõi sự phát triển phôi time – lapse giúp cải thiện tỷ lệ thành công của chuyển phôi.
  • Nguyên nhân hiếm muộn
  • Phác đồ thuốc sử dụng: việc áp dụng các phác đồ khác nhau trong kích thích buồng trứng và chuẩn bị nội mạc nội tử cung cũng đấn đến khác nhau về số lượng noãn thu được và tính chất của nội mạc tử cung tại thời điểm chuyển phôi.

Hình 2 Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công trong thụ tinh trong ống nghiệm (Nguồn)

Tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn

  • IVF 

Theo hồi cứu tại Tây Ban Nha (2020) trên 4344 chu kỳ điểu trị IVF cho kết quả trẻ sinh sống trên số chu kỳ điều trị như sau:

  • Phụ nữ < 35 tuổi: 28.4 %
  • Phụ nữ 35 – 39 tuổi: 26.6%
  • Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên: 4.1%

Hình 3 Tỷ lệ trẻ sinh sống trên số chu kỳ IVF (Nguồn)

Như vậy, chúng ta thấy rằng, tuổi càng cao, tỷ lệ thành công trong điều trị IVF càng thấp.

  • ICSI (bơm tinh trùng vào bào tương noãn)

ICSI là kỹ thuật được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay, với 33,438 chu kỳ được thực hiện trong năm 2020. Tỷ lệ trẻ sinh sống trên số chu kỳ điều trị trong điều trị hiếm muộn với kỹ thuật ICSI như sau:

  • Phụ nữ < 35 tuổi: 35.5%
  • Phụ nữ 35 – 39 tuổi: 25.3%
  • Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên: 11.8%

Bên cạnh đó, tỷ lệ mang thai ở phụ nữ điều trị hỗ trợ sinh sản ở những nhóm < 35 tuổi, 35 – 39 tuổi và từ 40 tuổi trở lên lần lượt là: 44.1%, 35.1% và 21.4%.

Hình 4 Tỷ lệ trẻ sinh sống và tỷ lệ mang thai trên số chu kỳ ICSI (Nguồn)

  • Tỷ lệ thành công chung trong hỗ trợ sinh sản

Tóm lại, tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn như sau:

  • Tỷ lệ mang thai: 34.5% (chu kỳ chuyển phôi)
  • Tỷ lệ trẻ sinh sống: 25.2% (chu kỳ chuyển phôi)
  • Tỷ lệ sinh đơn thai: 90.5%
  • Tỷ lệ sinh song thai: 9.4%
  • Tỷ lệ sẩy thai: 23% (tổng số thai kỳ)

Các chỉ số thường gặp trong hỗ trợ sinh sản

Beta hCG: là chỉ số đo nồng độ hormone beta hCG (Human Chorionic Gonadotropin) trong máu, được tạo thành từ nhau thai và xuất hiện khi phôi bắt đầu làm tổ tại nội mạc tử cung. Xét nghiệm beta hCG là bước đầu chẩn đoán có hiện tượng thụ thai hay không, thường thực hiện sau 10-14 ngày sau khi chuyển phôi tùy thuộc vào phôi được chuyển là phôi ngày 3 hay ngày 5. Hình thức xét nghiệm beta hCG bằng nước tiểu qua que thử thai, nếu kết quả dương tính sẽ xuất hiện hai vạch đỏ trên que. Kết quả này có thể cho người phụ nữ biết mình có thai hay không nhưng sẽ không thể đo được chính xác nồng độ beta hCG trong cơ thể. Xét nghiệm nước tiểu có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lượng nước tiểu và thời gian trong ngày mà bạn kiểm tra. Vì vậy để biết được chính xác kết quả và chỉ số nồng độ beta hCG thì người phụ nữ nên tiến hành xét nghiệm máu để có được kết quả cuối cùng kể cả trong trường hợp nồng độ beta hCG khá thấp.

Thông thường trong 10 tuần đầu, nồng độ beta hCG sẽ tăng gấp đôi cứ sau 48 đến 72 giờ và sẽ đạt đỉnh trong 8-11 tuần đầu tiên của thai kỳ, sau đó sẽ giảm dần và bình nguyên trong phần còn lại của thai kỳ.

Kết quả thụ thai hay không sẽ dựa vào chỉ số nồng độ beta hCG như sau:

  • Nồng độ beta hCG < 5 mIU/mL được xem là âm tính đối với thai kỳ (kết quả không có thai).
  • Nồng độ trên ≥ 25 mIU/mL được xem là dương tính đối với thai kỳ (kết quả có thai).

Tùy vào chỉ số beta hCG mà bác sĩ điều trị sẽ có nhận định phù hợp để theo dõi thai kỳ.

Một số trường hợp đặc biệt của nồng độ beta hCG:

  • Nồng độ beta hCG cao: Khả năng người phụ nữ có thể mang đa thai (sinh đôi hoặc sinh ba) hoặc thai trứng…
  • Nồng độ beta hCG thấp: Nguy cơ mang thai ngoài tử cung, sẩy thai hoặc tính tuổi thai không chính xác …
  • Tỷ lệ chính xác của xét nghiệm beta hCG không đạt được 100%, trong một vài trường hợp kết quả có thể là âm tính giả và dương tính giả với thai kỳ.

Thai sinh hóa: là tình trạng có thai và bị sẩy thai sớm trước khi siêu âm thấy hình ảnh túi thai trong tử cung. Trong hầu hết các trường hợp, thai sinh hóa thường không cần can thiệp. Nồng độ beta hCG sẽ giảm về âm tính khi phôi thai không còn.

Thai lâm sàng: thấy hình ảnh túi thai trên siêu âm (kể cả thai ngoài tử cung), thường được thực hiện vào khoảng 3 tuần sau khi xét nghiệm beta hCG dương tính.

Thai diễn tiến: có sự hiện diện của tim thai trên hình ảnh siêu âm.

Đa thai: Một thai kỳ mang nhiều hơn một thai nhi. Chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro Fertilization – IVF) làm tăng nguy cơ mang đa thai đến tám lần so với thụ thai tự nhiên do nhiều phôi được chuyển vào tử cung. Việc mang đa thai tạo nguy cơ cao hơn cho bà mẹ và các em bé so với mang đơn thai. Nguy cơ chính là sinh non và các nguy cơ khác bao gồm xuất huyết trong thời gian mang thai, tăng huyết áp hoặc tiền sản giật, … Các em bé được sinh ra từ đa thai có nhiều khả năng bị dị tật như bại não hoặc không nuôi sống được. Đồng thời, các bà mẹ mang đa thai có mức độ mệt mỏi về tâm lý cao hơn, bởi việc chăm sóc nhiều bé khó khăn hơn so với chăm sóc một bé. Trong các trường hợp từ 3 thai trở lên, các bác sĩ thường tư vấn thực hiện thủ thuật giảm bớt thai, nhằm giảm nguy cơ sinh non. Kỹ thuật giảm thai được thực hiện hiệu quả và an toàn nhất vào tuần thứ 7 đến thứ 8 của thai kỳ. Chuyển đơn phôi (Single Embryo Transfer – SET) là cách duy nhất để giảm tỉ lệ mang đa thai liên quan đến IVF3. Một chu kỳ IVF có thể tạo được nhiều phôi tùy thuộc vào chất lượng noãn, số chu kỳ thực hiện, độ tuổi và sức khỏe của người mẹ.

Tóm lại,

Trong điều trị hiếm muộn, tỷ lệ thành công là điều mà các cặp đôi rất quan tâm. Thành công của quá trình làm thụ tinh trong ống nghiệm đó là có em bé mang về nhà. Tuy nhiên, về quá trình mang thai kéo dài 40 tuần nên sẽ có nhiều vấn đề xảy ra trong suốt hành trình đó. Mỗi cặp vợ chồng sẽ có tỷ lệ thai mang thai khác nhau phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, độ tuổi, tiền căn mang thai trước đó, thói quen sinh hoạt…tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của điều trị hiếm muộn. Chúc các cặp đôi sớm gặp được con yêu của mình nhé!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ