Ước lượng cân nặng thai nhi là một phần quan trọng và phổ biến của chăm sóc tiền sản, được thực hiện thường xuyên trong mỗi lần khám thai. Quá trình này giúp bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi, đưa ra dự đoán về trọng lượng, sức khỏe của em bé trước khi sinh và có kế hoạch trong quản lý chuyển dạ. Thai quá nhỏ hoặc quá to đều tăng nguy cơ biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sau sinh. Theo dõi tăng trưởng thai nhi trước sinh tập trung vào chẩn đoán thai nhi hạn chế tăng trưởng vì có thể liên quan đến các kết cục bất lợi như sinh non, tổn thương thai nhi trong tử cung, hoặc tử vong trong tử cung. Bên cạnh đó, chẩn đoán trẻ sơ sinh nặng cân cũng quan trọng không kém vì có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh cao hơn cho cả mẹ và em bé khi so sánh với những bé có cân nặng bình thường. Rủi ro cho trẻ sơ sinh nặng cân bao gồm sinh khó do kẹt vai, có thể dẫn đến chấn thương đám rối cánh tay, ngạt chu sinh và tử vong sơ sơ sinh. Các bất lợi cho mẹ gồm chuyển dạ kéo dài, chấn thương đường sinh dục, băng huyết sau sinh và tăng nguy cơ sinh mổ. Chính vì những lí do trên dự đoán cân nặng của thai đóng vai trò quan trọng trong thực hành lâm sàng sản khoa.
Hiện nay, có hai phương pháp ước lượng cân nặng thai nhi là đo bề cao trung bình của tử cung bằng khám lâm sàng và siêu âm.
ĐO BỀ CAO TRUNG BÌNH CỦA TỬ CUNG THE SYMPHYSIS-FUNDAL HEIGHT (SFH)
Đo bề cao trung bình của tử cung là phương pháp sàng lọc được sử dùng để ước tính cân nặng thai sau 24 tuần tuổi thai. SFH sẽ được đo bằng khoảng cách từ đỉnh xương mu của mẹ tới đáy tử cung. SFH tính bằng cm và phải bằng tuổi thai tính bằng tuần. Khi đo SFH phải đảm bảo bàng quang mẹ trống và đo đúng kỹ thuật để tránh sai số. Sự chênh lệch số đo hơn 3 cm gợi ý thai nhi có vấn đề về tăng trưởng hoặc lượng nước ối bất thường. Tuy nhiên, đối với những thai phát triển bình thường nhưng em bé nằm ngang hoặc song thai hoặc tử cung mẹ có nhân xơ thì chỉ số này vẫn có thể bất thường. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng để xác định liệu rằng phép đo SFH có hiệu quả trong việc phát hiện thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
Phương pháp đo bề cao tử cung để ước lượng cân nặng thai
SIÊU ÂM ƯỚC LƯỢNG CÂN NẶNG THAI NHI
Các cha mẹ biết rằng siêu âm bao gồm bác sĩ bôi gel lên bụng mẹ và di chuyển một thiết bị cầm tay xung quanh để quan sát em bé. Về khía cạnh kỹ thuật, siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh thời gian thực của em bé trong bụng mẹ. Những sóng âm này truyền qua mô mềm và chất lỏng trong bụng mẹ, dội lại và cho ra hình ảnh em bé trên màn hình máy siêu âm.
Ngày nay, tính chính xác của các phép đo siêu âm khác nhau để ước tính cân nặng của thai nhi càng được chú ý. Nhiều thông số của thai nhi được sử dụng dự đoán cân nặng được sử dụng như đường kính lưỡng đỉnh (là khoảng cách giữa hai bên đầu của thai), chu vi vòng đầu, chu vi vòng bụng và chiều dài xương đùi. Từ các thông số này, máy siêu âm sẽ ước đoán cân nặng và so sánh với số liệu của các thai nhi khác cùng tuổi thai được trang bị sẵn trong máy siêu âm. Thông thường các số liệu để so sánh được lấy từ kho dữ liệu của Hadlock.
Hình ảnh siêu âm đường kính lưỡng đỉnh, chu vi vòng đầu (hình trên cùng bên trái), chu vi vòng bụng (hình trên cùng bên phải) và chiều dài xương đùi (hình dưới cùng)
Nguồn:” Bilardo 2023”
Hiện nay, phương trình phổ biến nhất được sử dụng để tính trọng lượng thai nhi ước tính (EFW) được báo cáo là công thức Shepard và Hadlock. Bất kể công thức nào được sử dụng, độ chính xác cân nặng đều bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như sự tối ưu của hình ảnh, sự thay đổi của tư thế, trạng thái của thai. Ví dụ như khi em bé nằm ngang hoặc cử động nhiều, sẽ khá khó khăn để thu được hình ảnh chu vi vòng bụng tròn trịa, từ đó sẽ cho ra sự sai lệch về cân nặng của thai. Ngoài ra, độ chính xác của ước tính siêu âm có thể giảm khi cân nặng thai nhi tăng và có xu hướng được đánh giá quá cao ở những thai kỳ nghi ngờ có kích thước lớn so với tuổi thai (LGA)2 và bị đánh giá thấp hơn ở những thai kỳ vỡ ối non và nghi ngờ thai chậm phát triển.
Cân nặng thai khi trong bụng mẹ là một con số ước tính, chính vì thế sẽ có sự khác biệt so với cân nặng em bé sau sinh. Sự khác biệt giữa cân nặng thai trên siêu âm và cân nặng thật sau sinh thông thường trong khoảng 10%.
CÂN NẶNG CỦA THAI SẼ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?
Một thai trung bình nặng khoảng 80 gram vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên và ngày càng phát triển nhanh hơn sau 22 tuần để đạt tốc độ tăng trưởng tối đa hơn 200 gram mỗi tuần sau 35 tuần4. Song thai hai nhau phát triển với tốc độ tương tự như các đơn thai cho đến khoảng 32 tuần. Sau đó, song thai này sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 190 gram mỗi tuần cho đến tuần thứ 37. Tốc độ tăng trưởng của các cặp song thai một bánh nhau cũng tương tự với đơn thai cho đến khoảng 28 tuần và sau đó tốc đọ trung bình khoảng 170 gram mỗi tuần cho đến tuần thứ 37.
TÓM LẠI
Cân nặng thai là một trong những chỉ số quan trọng thể hiện tình trạng sức khỏe của em bé. Hiện nay có nhiều phương pháp ước lượng cân nặng thai nhưng siêu âm là phương pháp được chấp nhận rộng rãi và được dùng để đưa ra các quyết định liên quan tới cân nặng thai.