Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu
Mang thai vốn đã là một niềm vui to lớn đối với những cặp vợ chồng. Tuy nhiên, mang song thai lại là một điều hết sức đặc biệt vì “niềm vui nhân đôi”. Tuy nhiên, việc mang song thai không đơn giản như những thai kì khác, mà điều này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc thăm khám cũng như quản lí song thai cũng khác biệt đôi chút. Sau đây là những thông tin mà các mẹ bầu cần nắm để hiểu rõ hơn về việc mang song thai.
SỰ HÌNH THÀNH SONG THAI
Song thai là một thai kì có hai thai. Hai thai này có thể xuất phát từ cùng một trứng hoặc từ hai trứng khác nhau:
– Song thai khác trứng là do 2 trứng khác nhau được thụ tinh bởi 2 tinh trùng khác nhau. Vì vậy, giới tính của hai thai có thể giống hoặc khác nhau. Về số nhau và số ối, song thai khác trứng luôn là song thai hai nhau hai ối.
– Song thai cùng trứng là do một hợp tử sau khi đã thụ tinh lại tiếp tục phân chia thành 2 hợp tử riêng biệt. Vì vậy, giới tính hai thai luôn giống nhau. Tùy theo hợp tử phân chia vào ngày bao nhiêu sẽ có các loại song thai cùng trứng như sau (Hình 1):
+ Song thai hai nhau hai ối (Hình 1A): do hợp tử phân chia sớm vào ngày 0 – 4 sau thụ tinh. Đôi khi, hai bánh nhau của hai thai có thể dính với nhau.
+ Song thai một nhau hai ối (Hình 1B): do hợp tử phân chia vào ngày 4 – 8 sau thụ tinh
+ Song thai một nhau một ối (Hình 1C): do hợp tử phân chia sau ngày 8. Tuy nhiên, nếu như phân chia muộn sau ngày 13 sẽ hình thành song thai một nhau một ối với hai thai dính nhau (Hình 1D).
QUÁ TRÌNH THEO DÕI THAI KÌ
1. Xác định số nhau số ối
Việc xác định đúng số nhau số ối trong thai kì đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và quản lý trong thai kì. Việc xác định số nhau số ối chủ yếu thông qua siêu âm và nên thực hiện chính xác nhất là vào trước tuần lễ 14.
2. Dán nhãn định danh song thai
Tuy mang song thai, nhưng không phải lúc nào cả 2 thai cũng phát triển đồng đều. Do đó, điều cần thiết trong quá trình khám thai chính là dán nhãn định danh song thai. Chẳng hạn: thai A bên trái, thai B bên phải. Từ đó, các bác sĩ sẽ dễ dàng hơn trong quá trình thăm khám và theo dõi thai kì, đặc biệt theo dõi tăng trưởng của thai. Các mẹ bầu cũng cần nắm được điều này để có thể giúp cho các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ siêu âm có thể phát hiện đúng thai đang được theo dõi.
3. Tầm soát lệch bội
a. Các phương pháp không xâm lấn
– Đo độ mờ da gáy (NT): Trong song thai cũng được thực hiện đo NT. Tỷ lệ phát hiện hội chứng Down của NT vào khoảng 64 – 70% và tốt nhất vào tuần thứ 11.
– Combined test: Tương tự như ở đơn thai, combined test cũng bao gồm đo NT và sinh hóa β-hCG và PAPP-A. Khả năng tầm soát trisomy 21 của combined test có độ nhạy là 89,3% và độ đặc hiệu là 94,6%.
– Triple test: có thể hỗ trợ thêm các test tầm soát dị tật ở tam cá nguyệt 1 vì tỷ lệ phát hiện trisomy 21 của triple test không cao, khoảng 50 – 65%.
– NIPT: thường được thực hiện sau tuần thứ 10 của thai kì. Đây là test tầm soát dựa vào các DNA ngoài tế bào của thai trong máu mẹ. NIPT vốn đã là một test tầm soát T21 khá hiệu quả ở đơn thai. Đối với song thai, để tầm soát T21, NIPT có độ phát hiện lên đến 99%. Như vậy, NIPT lại cho thấy là một test tầm soát lệch bội khá hiệu quả ở song thai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp song thai có một thai lưu, chúng ta phải đợi ít nhất 8 tuần để có thể tiến hành NIPT vì khi thai lưu, những mảnh DNA này vẫn còn tiếp tục được phóng thích vào máu mẹ làm sai lệch kết quả.
b. Các phương pháp xâm lấn
Thường thực hiện khi các kết quả của các phương pháp tầm soát không xâm lấn bất thường. Các phương pháp xâm lấn bao gồm:
– Sinh thiết gai nhau: được thực hiện vào khoảng tuần thứ 10 – 12 của thai kì. Nguy cơ sẩy thai chung khi thực hiện là khoảng 4%.
– Chọc ối: thường được thực hiện vào tuần 16 – 24 của thai kì với nguy cơ sẩy thai vào khoảng 3%.
4. Tăng cân và dinh dưỡng trong song thai
Khi mang song thai, chế độ dinh dưỡng, vận động và vấn đề tăng cân trong thai kì cũng khá quan trọng vì người mẹ phải nuôi dưỡng đến 2 cơ thể mới. Đối với những trường hợp này, tuỳ thuộc vào mức BMI trước sanh mà có những mức tăng cân phù hợp:
- BMI bình thường (18,5 – 24,9 kg/m2): tăng 16,5 – 24,5 kg
- BMI thừa cân (25,0 – 29,9 kg/m2): tăng 14 – 22,5 kg
- BMI béo phì (≥ 30 kg/m2): tăng 11 – 19 kg
Về vấn đề dinh dưỡng và vận động trong thai kì, dường như không có sự khác biệt về lượng thức ăn hay mức độ vận động trong thai kì giữa song thai so với đơn thai. Các mẹ bầu cần có chế độ ăn không phải về “số lượng” mà về “chất lượng” với đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết (carbohydrate, béo, đạm, vitamin và chất khoáng), uống đủ nước (2 – 2,5 L/ngày, bổ sung đủ các chất cần thiết (sắt, acid folic và canxi) và duy trì chế độ vận động 30 – 60 phút/ngày trong ít nhất 3 – 4 ngày trong tuần.
MANG SONG THAI TIỀM ẨN NHỮNG NGUY CƠ GÌ?
– Sinh non: Song thai làm tăng nguy cơ non tháng so với đơn thai. Thông thường tuổi thai trung bình trong song thai khoảng 36 tuần. Vì vậy, trong song thai sẽ được theo dõi chiều dài kênh cổ tử cung từ khoảng 18 tuần – 23 tuần 6 ngày để tầm soát nguy cơ sinh non. Tuy nhiên, những biện pháp dự phòng sinh non trong song thai vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt qua các nghiên cứu.
– Tiền sản giật: song thai là một yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện tiền sản giật.
– Thai nhẹ cân: Thông thường, ở song thai, các thai sẽ nhẹ cân hơn so với đơn thai. Thông thường sẽ vào khoảng 2000 – 3000 grams.
– Sẩy thai: tỉ lệ sẩy thai trong song thai cũng cao hơn khi so với đơn thai, thông thường vào khoảng 36%.
– Song thai dính liền: xảy ra vào khoảng 1 : 60 000, do hợp tử phân chia sau ngày thứ 13. Song thai dính có thể được phát hiện sớm nhất vào lúc siêu âm hình thái tam cá nguyệt 1 nhưng chẩn đoán chủ yếu dựa vào MRI vào giữa thai kì. Giải quyết dính liền có thể được thực hiện sau sinh tuỳ thuộc vào loại dính được phát hiện.
– Hội chứng truyền máu song thai: là một hội chứng đặc biệt xảy ra vào khoảng 10% song thai một bánh nhau có những thông nối mạch máu giữa hai thai. Thường hội chứng được phát hiện vào tuần 16 – 26 khi có sự chênh lệch về thể tích nước ối giữa hai thai. Đây là hội chứng gây nguy hiểm cho cả hai thai, vì vậy cần được tầm soát sớm tuần 16 đối với song thai một bánh nhau và siêu âm 2 lần/tuần để có những xử lý kịp thời. Hiện nay, phương pháp dùng laser để làm tắc những thông nối được cho là khá hiệu quả để giải quyết hội chứng này.
CHUYỂN DẠ VÀ SANH SONG THAI
Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (American College of Obstetricians and Gynecologists – ACOG) năm 2021 khuyến cáo:
– Song thai hai nhau hai ối không biến chứng có thể sinh lúc 38 – 39 tuần
– Song thai một nhau hai ối không biến chứng có thể sinh lúc 34 tuần – 38 tuần
– Song thai một nhau một ối có thể sinh lúc 32 – 34 tuần.
Về phương pháp sinh, bản thân song thai không phải là một chỉ định sinh mổ. Việc lựa chọn phương pháp sinh còn tùy thuộc vào loại song thai, vị trí thai và cân nặng thai. Tuy nhiên với song thai một ối, ACOG khuyến cáo nên sinh mổ để tránh nguy cơ sa dây rốn.
TÓM LẠI
Song thai không đơn thuần là việc có hai thai trong cùng một thai kì mà trong đó còn kèm theo những nguy cơ bệnh lý trong thai kì cho cả mẹ và bé. Việc xác định sớm song thai cũng như loại song thai sẽ giúp ích cho việc quản lí trong thai kì. Vì vậy, thai phụ nên nhớ đi khám thai đúng hẹn để được tư vấn và quản lí thai kì một cách toàn vẹn nhé!