Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu
Sinh non là một biến chứng có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình mang thai, có thể dẫn đến tử vong hoặc bệnh tật lâu dài cho trẻ sơ sinh non tháng. Vì vậy, dự phòng sinh non là điều hết sức cần thiết trên những thai phụ có yếu tố nguy cơ. Trong các phương pháp dự phòng sinh non, progesterone là liệu pháp đầu tay. Vậy progesterone có vai trò như thế nào trong dự phòng sinh non và cần được sử dụng như thế nào?
PROGESTERONE LÀ GÌ?
Progesterone là một trong hai loại hormone quan trọng trong điều hoà chức năng sinh sản của người phụ nữ. Trong chu kì kinh nguyệt bình thường, progesterone sẽ được tiết ra sau khi rụng trứng, tức nửa sau chu kì kinh khoảng từ ngày 14 – 28 bởi hoàng thể và nếu có thai, vai trò này sẽ được bánh nhau tiếp nhận sau đó.
VAI TRÒ CỦA PROGESTERONE TRONG THAI KÌ
Ở thai phụ, progesterone điều hoà miễn dịch của người mẹ làm cho cơ thể của người mẹ “chấp nhận thai”, ức chế những dòng thác gây phản ứng viêm, ức chế cơn co tử cung và giúp duy trì tuần hoàn tử cung – nhau1. Chính vì vậy, progesterone còn gọi là hormone của “sự hoài thai”.
VÌ SAO CẦN BỔ SUNG PROGESTERONE TRONG DỰ PHÒNG SINH NON?
Sinh non là tình trạng chuyển dạ sinh trước 37 tuần thai kì. Những thai nhi non tháng sẽ phải đối mặt với khá nhiều nguy cơ tử vong và bệnh tật lâu dài. Do đó, việc dự phòng sinh non trong những thai kì nguy cơ cao của non tháng hoặc doạ sinh non là hết sức cần thiết. Trong đó, progesterone đóng vai trò quan trọng bởi hiệu quả dự phòng của nó thông qua các cơ chế sau:
- Duy trì “trạng thái tĩnh” (không có cơn gò) của tử cung thông qua việc ức chế progstaglandin – một chất gây co tử cung trong khoảng nửa sau của thai kì
- Ức chế các phản ứng viêm, từ đó làm giảm sự lan truyền của nhiễm trùng
- Giảm thoái hoá chất nền ở cổ tử cung, làm cho cổ tử cung không xoá, mở
- Giảm số lượng thụ thể oxytocin – chất gây co cơ tử cung trong thai kì
BỔ SUNG PROGESTERONE CÓ ẢNH HƯỞNG LÂU DÀI ĐẾN THAI KHÔNG?
Với những bằng chứng hiện tại cho thấy, việc bổ sung progesterone không làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, vận động, hành vi và hoạt động thể chất sau này của những đứa trẻ sinh ra từ những thai kì có sử dụng progesterone.
NHỮNG LOẠI PROGESTERONE VÀ ĐƯỜNG DÙNG ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG THAI KÌ ĐỂ DỰ PHÒNG SINH NON
Cho đến hiện nay, đường dùng hiệu quả nhất cho việc bổ sung progesterone trong dự phòng sinh non cũng còn chưa rõ. Các đường dùng để bổ sung progesterone trong dự phòng sinh non phổ biến bao gồm: đường uống, tiêm bắp, đặt âm đạo và đặt hậu môn.
1. Progesterone tiêm bắp
Chế phẩm progesterone tiêm bắp là dạng 17-hydroxyl progesterone caproate (17OHPC). Một số nghiên cứu cho thấy việc dùng progesterone tiêm bắp sẽ tạo được nồng độ progesterone trong máu gần giống với sinh lí. Ngoài ra, loại progesterone này có thể dùng mỗi tuần một lần với hàm lượng là 250 mg 17OHPC cho mỗi lần tiêm. Tuy nhiên, progesterone tiêm bắp có thể gây một số khó chịu cho thai phụ trong quá trình sử dụng như:
- Khó chịu, đau, áp xe vô trùng tại vị trí tiêm
- Đây được xem là một đường toàn thân, nên sẽ có những tác dụng phụ trên cơ thể như chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, đầy bụng, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, triệu chứng như cảm cúm
- Ngoài ra, người ta nhận thấy loại thuốc progesterone đường tiêm bắp có nguy cơ gia tăng nguy cơ đái tháo đường thai kì
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì (Food and Drug Administration – FDA) từng cho phép Makena – progesterone tiêm bắp (17OHPC) – để dự phòng sinh non trong những thai kì có tiền căn sinh non. Nhưng vào ngày 6/4/2023, FDA đã chính thức rút lại sự chấp thuận này do những bằng chứng hiện tại loại thuốc này không còn cho thấy hiệu quả trong những thai kì non tháng.
2. Progesterone đường uống
Loại progesterone đường uống được sử dụng trong thai kì là loại progesterone tự nhiên vi hạt hoặc dydrogesterone – loại progestin tổng hợp nhưng có hoạt tính giống với progesterone tự nhiên. Tuy nhiên, đường uống lại ít được sử dụng do thức ăn làm giảm mức độ hấp thu của thuốc, bị chuyển hoá một phần qua gan và gây những tác dụng phụ toàn thân cho thai phụ. Hơn nữa, hiệu quả của thuốc khi sử dụng đường uống cũng thấp hơn những đường dùng khác.
3. Progesterone đặt âm đạo
Dạng progesterone đặt âm đạo là dạng progesterone tự nhiên vi hạt. Đây là đường dùng được sử dụng phổ biến hơn hết do những tác động trực tiếp ban đầu lên mô cơ tử cung – đích đến mà chúng ta muốn can thiệp. Việc dùng đường âm đạo không những có thể phát huy tối đa tác dụng mà ta mong muốn, mà còn hạn chế những tác dụng phụ toàn thân của những đường dùng toàn thân khác. Ngoài ra, progesterone vi hạt đặt âm đạo cho thấy không làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kì. Do đó, cho đến thời điểm hiện tại, progesterone đặt âm đạo trong những nghiên cứu hiện thời đều cho thấy là đường dùng cho hiệu quả cao nhất trong dự phòng sinh non.
Có 2 dạng chế phẩm đặt âm đạo: dạng gel 8% (90 mg) hoặc dạng viên đặt âm đạo (100mg, 200mg hoặc 400mg). Khi sử dụng progesterone đặt âm đạo, thai phụ cần sử dụng mỗi ngày.
4. Progesterone đặt hậu môn
Progesterone vi hạt đặt hậu môn cũng là một đường dùng được ưa chuộng do những minh chứng hiệu quả trong dự phòng sinh non. Đồng thời, dùng đường hậu môn cũng làm giảm những tác dụng phụ toàn thân và có thể sử dụng trong khi thai phụ bị ra huyết âm đạo. Tương tự, viên đặt hậu môn cũng có các hàm lượng và liệu trình sử dụng giống với đường đặt âm đạo.
SỬ DỤNG PROGESTERONE TRONG DỰ PHÒNG SINH NON
Một số khuyến cáo sử dụng progesterone trong dự phòng sinh non bao gồm:
- Đơn thai, chiều dài kênh cổ tử cung ngắn (< 25 mm), không triệu chứng sinh non và không tiền căn sinh non, sử dụng mỗi ngày từ khi phát hiện kênh cổ tử cung ngắn (90 mg dạng gel hoặc 200 – 400 mg dạng viên đặt âm đạo) cho đến 36 tuần thai kì.
- Đơn thai và có tiền căn sinh non tự phát, dùng mỗi ngày (90 mg dạng gel hoặc 200 – 400 mg dạng viên đặt âm đạo) từ 16 tuần đến 36 tuần thai kì.
- Không khuyến cáo dùng dự phòng thường quy để dự phòng sinh non chỉ vì lí do đa thai.
Ngoài ra, progesterone cũng có thể dùng kết hợp với các phương pháp dự phòng sinh non khác như khâu vòng cổ tử cung hoặc đặt vòng nâng.
TÓM LẠI
Sinh non là một biến chứng khá phổ biến trong thai kì và có liên quan đến những kết cục xấu cho thai nhi. Tuy nhiên, nếu phát hiện kịp thời những thai phụ có nguy cơ sinh non, việc bổ sung progesterone có thể giúp ích trong việc kéo dài thai kì. Vì vậy, thai phụ nên khám thai đúng hẹn để được tầm soát, phát hiện và dự phòng kịp thời nguy cơ này nhé!