Viêm gan siêu vi B và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con

Viêm gan siêu vi B và thai kì

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Viêm gan siêu vi B là một trong những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở thai phụ. Trong những trường hợp này, điều lo lắng nhất của phụ nữ mang thai mắc viêm gan B là nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con. Vậy thai phụ cần làm gì để bảo vệ những đứa con của mình khỏi viêm gan siêu vi B?

VIÊM GAN SIÊU VI B LÀ GÌ?

Viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B thuộc họ Hepadnaviridae gây nên. Đích tấn công của loại virus này là ở gan, làm cho các tế bào gan trở nên viêm nhiễm và hoại tử. Viêm gan siêu vi B có thể cấp tính hoặc mạn tính.

Những trường hợp mắc viêm gan B có thể chung sống hoà bình suốt đời, nhưng cũng có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan sau này.

Virus viêm gan B có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp niêm mạc hoặc da không lành lặn với máu hoặc dịch tiết của người bệnh, qua quan hệ tình dục và lây truyền từ mẹ sang con.

Tuy nhiên, bệnh lí này cũng có thể được ngăn ngừa nhờ sự phát triển mạnh mẽ của vaccine ngừa viêm gan siêu vi B.

TẦN SUẤT MẮC VIÊM GAN SIÊU VI B

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) ước tính có khoảng 257 triệu người có tình trạng viêm gan siêu vi B mạn tính, trong đó khu vực Đông Nam Á có tỉ lệ dân số mắc bệnh khoảng 2%.

Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2022, tần suất mắc viêm gan B trong dân số chung là khoảng 10,5% và tỉ lệ này là 10,8% đối với những người trong độ tuổi sinh sản.

ẢNH HƯỞNG CỦA VIÊM GAN SIÊU VI B LÊN THAI NHI

Lây truyền dọc trong viêm gan siêu vi B

Với những thai phụ nhiễm virus viêm gan B mạn tính, những tác động tiêu cực lên thai kì là không đáng kể. Điều lo ngại lớn nhất là sự lây truyền virus gây bệnh này từ mẹ sang con trong thời kì mang thai (lây truyền dọc). Nếu không có những phương pháp dự phòng, tỷ lệ lây truyền dọc có thể lên đến 90%.

Người ta nhận thấy với những đứa trẻ mắc viêm gan B do lây truyền dọc, đến 95% trong số đó sẽ nhiễm viêm gan B mạn tính. Điều này gây ra những lo ngại nhất định, bởi lẽ nhiễm thứ phát trong lúc sinh hoặc trong 5 năm đầu đời sẽ có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hay ung thư gan (15 – 40%) cao hơn hẳn so với những người nhiễm HBV giai đoạn sau này.

Ở thời đại chưa có vaccine phòng ngừa bệnh, tỉ lệ nhiễm viêm gan B ở trẻ em dưới 5 tuổi vào khoảng 5% (trong khoảng những năm 1980 và những năm đầu 2000). Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của vaccine, tỉ lệ này đã giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 1% vào năm 2019.

TẦM SOÁT VIÊM GAN SIÊU VI B Ở THAI PHỤ

Nhận thấy sự nghiêm trọng của nhiễm viêm gan siêu vi B ở trẻ sơ sinh trong những năm đầu đời cùng với hiệu quả của các phương pháp ngăn ngừa lây truyền dọc, nhiều hiệp hội trên thế giới như Hiệp hội Y học Mẹ và Thai nhi (SMFM) năm 2016, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kì (CDC) năm 2018, Lực lượng đặc nhiệm phòng ngừa Hoa Kì (USPSTF) năm 2019 và WHO năm 2020, đều đồng loạt khuyến cáo tầm soát thường quy viêm gan siêu vi cho phụ nữ mang thai trong lần đầu khám thai.

Mọi thai phụ đều sẽ được xét nghiệm kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (HBsAg), bất kể đã chích ngừa viêm gan B trước đó.

NHỮNG NỖ LỰC TRONG DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN SIÊU VI TỪ MẸ SANG CON

  1. Thuốc kháng virus trong thai kì

Trường hợp nào sẽ cần đến thuốc kháng virus để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con?

Với những thai phụ có tình trạng HBsAg (+), định lượng HBV DNA sẽ được thực hiện để xem xét chỉ định thuốc kháng virus nhằm dự phòng lây truyền dọc. Ngưỡng HBV DNA dùng để khuyến cáo dùng thuốc kháng virus là ≥ 200 000 IU/mL (≥ 5,3log10 copies/mL) (WHO 2020) hay > 6-8log10 copies/mL (SMFM 2016) (1 IU/mL ~ 5,3 copies/mL).

Trong một số cơ sở y tế mà nguồn lực không cho phép thực hiện HBV DNA, với tình trạng HBeAg (+) cũng có thể được chỉ định điều trị thuốc kháng virus (WHO 2020)

Loại thuốc kháng virus nào được khuyến cáo sử dụng trong thai kì?

Thuốc kháng virus được khuyến cáo sử dụng đầu tay ở những thai kì mắc HBsAg (+) là tenofovir disoproxil fumarate (TDF). Đây là thuốc thuộc phân nhóm B theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì (FDA) – tức không gây hại lên thai nhi.

Nếu thai phụ chưa được dùng thuốc kháng virus trước đây hoặc chỉ định để phòng ngừa lây truyền dọc, thuốc sẽ được bắt đầu sử dụng từ khoảng tuần 28 cho đến ít nhất là lúc sinh hoặc đến 3 tháng hậu sản. Nếu thai phụ đã và đang sử dụng TDF từ trước khi mang thai, thuốc sẽ được tiếp tục trong suốt thai kì và cả sau sinh (mục đích vừa để điều trị, vừa để dự phòng lây truyền dọc).

  1. Dự phòng lây truyền trên trẻ sơ sinh

Tất cả trẻ sơ sinh đều được chích vaccine ngừa HBV trong vòng 24 giờ đầu sau sinh bất kể tình trạng HBsAg của mẹ. Nếu mẹ có HBsAg (+) thì mũi 2 sẽ cách mũi 1 là 1 tháng và mũi 3 cách 6 tháng.

Chế phẩm globulin miễn dịch đặc hiệu viêm gan B (Hepatitis B immune globulin – HBIG) có thể được thực hiện trên những trẻ sinh ra từ mẹ có HBsAg (+), đặc biệt những trường hợp mẹ có HBeAg (+) hoặc HBV DNA cao, trong vòng 12 giờ đầu sau sinh.

Chích ngừa viêm gan siêu vi B

  1. Những can thiệp khác

Nhiễm virus viêm gan B không phải là chỉ định của mổ lấy thai nhằm ngăn lây truyền dọc. Do đó, những thai phụ HBsAg (+) vẫn có thể sinh thường.

Những người mẹ có tình trạng HBsAg (+) vẫn có thể cho bú sữa mẹ bình thường vì nồng độ virus viêm gan B trong sữa mẹ là không đáng kể và trẻ cũng đã được bảo vệ bởi vaccine +/- HBIG +/- thuốc kháng virus.

NHỮNG CẶP VỢ CHỒNG DỰ ĐỊNH MANG THAI NHƯNG CÓ TÌNH TRẠNG NHIỄM VIÊM GAN SIÊU VI B KHÁC NHAU CẦN LÀM GÌ?

Người ta nhận thấy khoảng 25% trường hợp quan hệ tình dục thông thường với người có HBsAg (+) sẽ trở nên dương tính với viêm gan siêu vi B. Do đó, Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) năm 2020 cũng khuyến cáo với những cặp vợ chồng có vợ/chồng HBsAg (+) thì người còn lại nên chích vaccine viêm gan B đầy đủ. Việc sinh con nên được nghĩ đến khi kháng thể kháng virus viêm gan B là dương tính (tức có kháng thể).

Một số biện pháp như lọc rửa tinh trùng nhằm ngăn ngừa virus viêm gan B cũng không được khuyến cáo thực hiện.

TÓM LẠI

Viêm gan siêu vi B là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở phụ nữ mang thai, tuy không gây ra những biến chứng đáng kể trong thai kì nhưng lại có thể ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của trẻ sơ sinh. Từ những hiệu quả tích cực từ những phương pháp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, thai phụ cần khám thai đúng hẹn để được tư vấn, tầm soát và dự phòng đầy đủ để có một thai kì khoẻ mạnh nhé!

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về viêm gan siêu vi B và vấn đề lây truyền từ mẹ sang con tại Phòng khám Mẹ và Bé

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ