BS. Thân Trọng Thạch – BS. Tô Lê Minh Hằng
Hành kinh là hiện tượng sinh lý bình thường của chị em phụ nữ. Không có kinh nguyệt 3 tháng trong độ tuổi sinh sản khoảng từ 12 đến 49 tuổi được gọi là Vô kinh1 . Đây là một dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe chứ không phải là một căn bệnh và có thể xảy ra vì nhiều lý do. Nó có thể xảy ra như một phần tự nhiên của đời sống sinh sản, chẳng hạn như khi mang thai hoặc cho con bú. Cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe chẳng hạn như Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Vì vậy hãy cùng tìm hiểu nhiều hơn về dấu hiệu này nhé.
Hình 1 Chu kỳ kinh nguyệt (Nguồn)
KINH NGUYỆT LÀ GÌ ?
Kinh nguyệt là hiện tượng lớp nội mạc tử cung bong ra, cùng với máu ra khỏi cơ thể bằng đường âm đạo. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự giảm đột ngột hai hormon do buồng trứng tiết ra là Estrogen và Progesteron. Giai đoạn đầu, buồng trứng tiết ra estrogen giúp nội mạc tử cung tăng sinh, sau khi trứng rụng, progesteron sẽ được tiết ra và nội mạc chuyển sang giai đoạn chế tiết chuẩn bị cho phôi làm tổ nếu có thụ tinh. Khi thụ tinh không xảy ra, nội mạc tử cung sẽ bong tróc hàng loạt cùng với máu được tống xuất ra khỏi cơ thể bằng đường âm đạo. Ngày đầu tiên hành kinh là ngày 1 của một chu kỳ.
Hình 2 Ảnh hưởng của hai hormon Estrogen và Progesterone lên nội mạc tử cung
VÔ KINH LÀ GÌ?
Không có kinh nguyệt dù thoáng qua (mất kinh) hay vĩnh viễn đều được gọi là Vô kinh. Vô kinh xảy ra ở 2-5% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản2. Tình trạng này được chia thành hai loại:
- Vô kinh nguyên phát: không có kinh nguyệt khi 13 tuổi và không có các dấu hiệu phát triển hệ sinh dục thứ phát (như rậm lông, tuyến vú,…), hoặc khi 15 tuổi mặc dù có dấu hiệu phát triển hệ sinh dục thứ phát.
- Vô kinh thứ phát: phụ nữ đã từng có kinh lần này không có kinh tương đương với 3 chu kỳ (đối với bệnh nhân có chu kỳ kinh đều) hoặc 6 tháng (đối với bệnh nhân có chu kỳ không đều)
Dù có nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng đây là cách phân loại vô kinh được chấp nhận nhiều nhất.
VÔ KINH NGUYÊN PHÁT
Không có kinh ở tuổi dậy thì hay vô kinh nguyên phát có thể có các nguyên nhân chính sau:
- Bất thường nhiễm sắc thể: điển hình là hội chứng Turner chiếm 43% vô kinh nguyên phát, đây là tình trạng khiếm khuyết toàn bộ hoặc một phần nhiễm sắc thể X, nơi chứa các gen quyết định nên các đặc tính sinh dục nữ.
- Thiểu năng các tuyến sinh dục: bất sản ống Muller, vách ngăn âm đạo, bít màng trinh, bất sản âm đạo,..
- Bất thường tuyến nội tiết đặc trưng là giảm GnRH, một hormon vùng hạ đồi có tác động lên các hormon sinh dục buồng trứng, thường gặp trong Hội chứng Kallmann, suy sinh dục do rối loạn vùng hạ đồi vô căn, suy tuyến yên,..
- Khối u: u tuyến yên tiết prolactin
Tùy từng nguyên nhân sẽ có cách điều trị khác nhau, việc cần làm là phải nhận diện sớm tình trạng bất thường ở độ tuổi dậy thì, từ đó có thể thăm khám sớm và điều trị hiệu quả hơn. Một số dấu hiệu dậy thì thứ phát thường gặp như: mọc lông mu, lông nách, tuyến vú,..
Hình 3 Các dấu hiệu dậy thì ở bé gái
Nguồn: drsmitaramachandran.com/signs-of-puberty-in-girls
VÔ KINH THỨ PHÁT
Là tình trạng mất kinh ở phụ nữ đã có kinh nguyệt trước đó. Có nhiều tình trạng sinh lý bình thường có thể dẫn đến vô kinh thứ phát như mang thai hoặc cho con bú,.. Tuy nhiên, đây cũng là một dấu hiệu của tình trạng bệnh lý và có nhiều nguyên nhân dẫn đến như sau:
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): chiếm 28% trong tổng số vô kinh thứ phát. Đây là hội chứng rối loạn nội tiết tố và thường có hình ảnh đa nang buồng trứng trên siêu âm. Đặc trưng của hội chứng này là có tình trạng rối loạn phóng noãn, không phóng noãn dẫn đến không hành kinh. Hội chứng này chiếm tỉ lệ cao trong dân số, không chỉ liên quan đến vô sinh hiếm muộn mà còn liên quan đến các rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường type 2 và các nguy cơ tim mạch về sau.
Hình 4 Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Rối loạn chức năng vùng hạ đồi do tâm lý, stress, dinh dưỡng, tăng hay giảm cân quá nhanh hoặc tập thể dục quá mức cũng là một nguyên nhân thường gặp chiếm 15,5% các tình trạng mất kinh hiện nay3.
- Các bất thường cơ quan sinh dục mắc phải có thể kể đến hội chứng hiếm gặp Asherman, là hội chứng dính, sẹo buồng tử cung do các thủ thuật hoặc do đặt vòng tránh thai.
- Hội chứng Sheehan: suy tuyến yên do mất máu quá nhiều trong băng huyết sau sinh.
- Mãn kinh sớm: sự giảm dự trữ buồng trứng ở những độ tuổi trẻ cũng làm cho người phụ nữ vào mãn kinh và kinh nguyệt bị dừng lại.
- Ngoài ra đây còn là một biểu hiện của các bệnh nội khoa như: cường giáp, thiểu năng tuyến giáp,..
TIẾP CẬN VÔ KINH THỨ PHÁT
Ngày nay, có một tỉ lệ không nhỏ các phụ nữ phải tìm đến bác sĩ vì mất kinh. Điều đầu tiên cần làm thử thai vì mang thai là nguyên nhân thường gặp nhất. Tiếp đó, lối sống cũng là điều cần được quan tâm chẳng hạn: cân nặng, ăn uống, căng thẳng, tập thể dục quá sức,… Đây là những nguyên nhân có thể điều trị tại nhà mà không cần thăm khám bằng cách: cân bằng dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý; ổn định tâm lý, thư giãn tinh thần, tập thể thao vừa sức cũng như giảm cân lành mạnh.
Ngoài ra những triệu chứng lâm sàng có thể gợi ý một số căn nguyên như:
- Triệu chứng cường adrogen: rậm lông, phì đại âm vật, khàn tiếng,… gặp trong Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Triệu chứng của thiếu hụt hormon estrogen như: khô âm đạo, giảm ham muốn, bốc hỏa,… gặp trong các trường hợp mãn kinh sớm (suy buồng trứng sớm)
- Triệu chứng cường giáp (nhịp tim nhanh, đồ mồ hôi, sụt cân,..) hoặc nhược giáp (chậm chạp, đờ đẫn,..) cũng đều gợi ý nguyên nhân bệnh tuyến giáp và đều là nguyên nhân của vô kinh.
Tùy theo từng nguyên nhân mà sẽ có phương pháp điều trị cũng như cách theo dõi khác nhau.
TÓM LẠI
Vô kinh có thể gặp ở bất kỳ người phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản, đây là một biểu hiện của một bất thường sức khỏe. Để phòng ngừa vô kinh thứ phát, chị em phụ nữ nên có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý cũng như duy trì sức khỏe tâm lý ổn định. Ngoài ra, chúng ta nên có hiểu biết về nguyên nhân vô kinh cũng như các triệu chứng thường gặp để cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị hiệu quả hơn nhé!