Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT) là gì?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT) là gì?

Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (Preimplantation Genetic Testing – PGT) là một tập hợp các kỹ thuật chuyên dụng được sử dụng để xác định các bất thường di truyền của phôi được tạo ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm/tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (IVF/ICSI). Thông qua các xét nghiệm này, các chuyên gia có thể sàng lọc phôi có chất lượng tốt nhất để cấy vào tử cung, tăng khả năng thành công, giảm số chu kỳ thụ tinh nhân tạo và kéo theo là chi phí phải trả.

Bình thường, thông tin di truyền của mỗi người được đóng gói thành các chuỗi DNA, các chuỗi DNA cuộn xoắn nhiều vòng tạo thành cấu trức lớn hơn gọi là nhiễm sắc thể (NST). Tế bào người bình thường gồm 46 NST, hoặc 23 cặp NST. Những cặp NST này được đánh dấu từ 1 đến 22 (NST thường) và X, Y (NST giới tính). Một số lỗi trong giai đoạn phát triển sớm của tinh trùng, noãn hoặc phôi có thể dẫn đến bất thường số lượng NST trong phôi đang phát triển (ví dụ: thiếu hoặc thừa NST), đây được gọi là lệch bội NST. Hoặc bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể (chuyển đoạn, đảo đoạn, mất đoạn,..) và các bất thường đơn gene.

Hình 1 Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ PGT

PGT bao gồm những loại xét nghiệm nào?

Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ bao gồm 3 nhóm xét nghiệm chính:

  • PGT-M: xét nghiệm giúp chẩn đoán các bệnh đơn gen. PGT-M thường được chỉ định thực hiện với trường hợp bố mẹ có mang bất thường di truyền đơn gen, và có nguy cơ cao sinh con mắc bệnh. Xét nghiệm PGT-M sẽ giúp các cặp vợ chồng xác định được những phôi thai không bị mắc các bệnh về gen do cha mẹ mang gen để lại. Xét nghiệm chẩn đoán bệnh đơn gen thường được khuyến nghị với các trường hợp như bố mẹ hoặc cả bố và mẹ mang các đột biến di truyền đơn gen thể trội (ví dụ bệnh Huntington) hoặc thể lặn (ví dụ bệnh xơ nang), các rối loạn liên kết NST giới tính, bệnh tán huyết bẩm sinh Thalassemia, bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh,…
  • PGT- SR: xét nghiệm giúp chẩn đoán các bất thường về cấu trúc nhiễm sắc thể. Xét nghiệm này thường được chỉ định trong trường hợp các cặp vợ chồng gặp các bất thường về nhiễm sắc thể như mất đoạn nhiễm sắc thể, hoặc nhân đoạn nhiễm sắc thể, chuyển đoạn cân bằng… Trường hợp có một hoặc cả bố và mẹ mắc các hội chứng liên quan đến bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể như: Angelman, Cri du chat, DiGeorge, Langer – Giedion, Miller – Dieker, Prader – Willi, Smith – Magenis, Williams – Beuren, Wolf – Hirschhorn…
  • PGT- A: xét nghiệm phát hiện những bất thường số lượng nhiễm sắc thể. PGT-A thường được chỉ định trong trường hợp nữ giới lớn tuổi, có tiền sử thất bại chuyển phôi nhiều lần, sảy thai liên tiếp…

Trước đây, PGT-M được gọi là PGD (chẩn đoán di truyền tiền làm tổ) và PGT-A được gọi là PGS (được gọi là sàng lọc di truyền tiền làm tổ). Các xét nghiệm này khi kết hợp với nhau có thể cải thiện đáng kể cơ hội mang thai khỏe mạnh.

Những ai nên thực hiện PGT?

  • Phụ nữ có tuổi cao khi làm IVF/ICSI (35 tuổi trở lên)
  • Phụ nữ hoặc các cặp đôi vô sinh không rõ nguyên nhân
  • Phụ nữ đã từng làm thụ thai trong ống nghiệm IVF thất bại
  • Thất bại làm tổ liên tiếp
  • Phụ nữ đã sảy thai nhiều lần
  • Phụ nữ có tiền sử thai kỳ bất thường hoặc có con mang bất thường di truyền

Quy trình thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT) như thế nào?

Hình 2 Quy trình thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT)

Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ là một phần của quy trình IVF, quy trình cơ bản diễn ra như sau:

  • Dùng thuốc kích thích buồng trứng để phát triển nhiều trứng cùng lúc
  • Chọc hút noãn. Xét nghiệm PGT có thể được thực hiện ngay để xem người mẹ có thể sản sinh noãn bình thường hay không.
  • Trứng được thụ tinh trong ống nghiệm theo quy trình IVF cổ điển hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (IVF/ICSI)
  • Phôi phát triển trong phòng thí nghiệm trong vòng 5 – 6 ngày
  • Vào ngày thứ 3 hoặc 5 của quá trình phát triển, phôi đạt đến giai đoạn phôi nang, sinh thiết phôi được tiến hành để lấy ra một số ít tế bào thuộc lớp tế bào lá nuôi. Quá trình này phải cực kỳ cẩn thận, đòi hỏi kinh nghiệm để tránh làm tổn thương phôi, mà vẫn lấy được số ít tế bào cần thiết. Tiếp theo sẽ là tách chiết ADN từ tế bào phôi để thực hiện các xét nghiệm trên bộ gen (PGT-A, PGT-M, PGT-SR)
  • Phôi được giữ đông lạnh ngay lập tức. Khi có kết quả trả về, các phôi khỏe mạnh được lấy ra và cấy vào tử cung người mẹ, cho phép làm tổ và bắt đầu thai kỳ. Nếu nhiều phôi cùng bình thường, phôi tốt nhất về hình thái sẽ được chọn để chuyển, các phôi còn lại sẽ tiếp tục được trữ đông.

Những rủi ro có thể gặp khi thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT) là gì?

  • PGT là xét nghiệm tương đối an toàn, lớp tế bào lấy sinh thiết là lớp tế bào từ phần sẽ phát triển thành bánh nhau sau này vì vậy sàng lọc phôi sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng của phôi. Tuy nhiên kết quả của xét nghiệm di truyền tiền làm tổ PGT không khẳng định đúng hoàn toàn về tình trạng di truyền của phôi. Vì vậy với thai kỳ chuyển phôi có làm xét nghiệm PGT, thai phụ vẫn phải thực hiện các xét nghiệm tiền sản thường quy.
  • Việc thực hiện PGT trong hỗ trợ sinh sản sẽ làm tăng chi phí điều trị và thường chỉ sàng lọc được những bất thường di truyền trong phạm vi xét nghiệm cụ thể chứ không thể loại trừ hoàn toàn các bất thường di truyền có thể gặp ở phôi thai.
  • PGT là xét nghiệm có xâm lấn vì vậy có thể ảnh hưởng đến phôi, đặc biệt là những phôi có chất lượng kém. Khoảng 0,6 – 7,4% trường hợp làm sinh thiết phôi không có kết quả5. Trường hợp này có thể cân nhắc làm sinh thiết lại. Một điều không mong đợi là tất các các mẫu thôi được sinh thiết trong 1 chu kỳ làm IVF có thể bất thường toàn bộ, không thích hợp về mặt di truyền để chuyển phôi.

Tóm lại,

Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT) là kỹ thuật hiện đại để xác định những bất thường về mặt di truyền ở gen. Ứng dụng xét nghiệm di truyền tiền làm tổ trước khi chuyển phôi có thể chọn lựa được những phôi tốt, tăng tỷ lệ mang thai và sinh con khỏe mạnh. Khi thực hiện PGT có một số khả năng rủi ro có thể xảy ra tuy nhiên tỉ lệ khá thấp. Chúc các cặp đôi có hành trình điều trị hiếm muộn suôn sẻ và sớm gặp được các thiên thần nhỏ nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ